Hoạt động ở Hắc Sơn Trương Yên (Khăn Vàng)

Trương Yên vốn có tên là Chử Phi Yến (褚飛燕), là một tướng lĩnh quân khởi nghĩa Khăn Vàng dưới quyền đầu mục Trương Ngưu Giác. Sau khi anh em thủ lĩnh Trương Giác đều chết (184), Trương Ngưu Giác cũng tử trận, Chử Phi Yến kế tục làm đầu mục. Ông đổi họ tên là Trương Yên, tự tập hợp được vài chục vạn quân, tiếp tục chống lại triều đình.

Quân Trương Yên là mạnh nhất trong các lực lượng tàn dư Khăn Vàng. Trương Yên chiếm cứ Hắc Sơn, có hàng chục vạn người đi theo, nhà Hán không thể chế ngự được.[1]

Năm 191, Trương Yên và cánh quân Khăn Vàng ở Thanh châu có 30 vạn người tiến vào quận Bột Hải, định liên hợp với nhau, nhưng sứ quân ở Bình Nguyên là Công Tôn Toản mang 2 vạn quân đón đánh ở Đông Quang.[2] Quân Khăn Vàng bị thua lớn, thiệt hại 3 vạn người, phải bỏ lại xe cộ và lương thực trốn sang sông. Quân Trương Yên không tới cứu được.

Nhân lúc quân Hắc Sơn không liên kết được với quân Thanh châu, quân phiệt Tào Tháo mang quân đánh nhau với quân Khăn Vàng tại Hắc Sơn. Quân Trương Yên tuy đông nhưng ô hợp, bị Tào Tháo dùng kế đánh bại. Sau đó Tào Tháo bận đối phó với lực lượng Khăn Vàng khác tại Đông quận nên không đụng độ với Trương Yên.

Tháng 3 năm 193, Trương Yên liên kết với cánh quân Khăn Vàng của tướng Can Độc cầm đầu, đồng mưu với lực lượng binh sĩ làm chính biến nổi dậy ở Ngụy quận (Ký châu) cùng đánh chiếm Nghiệp Thành,[3] giết chết Thái thú. Vùng đất thuộc quyền sứ quân Viên Thiệu quản lý. Tháng 6 năm đó, Viên Thiệu ra quân đánh vào khe Thương Nhan, núi Cự Tràng, Triều Ca. Sau 5 ngày giao chiến, Can Độc và hơn 1 vạn thủ hạ bị quân Viên Thiệu giết chết. Trương Yên lại rút về cố thủ.

Ít lâu sau Trương Yên sang đánh Thường Sơn, cũng thuộc địa hạt của Viên Thiệu. Lúc đó Lã Bố đang nương nhờ Viên Thiệu. Viên Thiệu sai Lã Bố mang quân sang Thường Sơn giao tranh với Trương Yên. Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố, mỗi ngày cùng vài chục thủ hạ xông thẳng vào trại địch ba bốn lần. Sau hơn 20 ngày, quân Trương Yên thua tan tác.

Trương Yên rút về cố thủ, sau đó nản lòng, cuối cùng nhận sự chiêu an của triều đình, được phong làm Bình nam trung lang tướng, coi việc quân ở Hà Bắc.